Tong-quan-ve-dieu-khac

Điêu khắc không còn quá xa lạ với mọi người, nó xuất hiện rất nhiều nơi ngay xung quanh chúng ta. Điêu khắc được phát triển từ rất sớm và nó luôn là một loại hình nghệ thuật dành được nhiều sự quan tâm của giới nghệ sĩ.

I. Điêu khắc là gì?

Điêu khắc là một trong 7 loại hình nghệ thuật phổ biến và có lịch sử từ rất lâu đời. Hiểu một cách khái quát thì “điêu khắc là một nhánh của nghệ thuật thị giác hoạt động trong không gian ba chiều. Đó là một trong những nghệ thuật tạo hình. Các quy trình điêu khắc bền bỉ ban đầu sử dụng chạm khắc (loại bỏ vật liệu) và mô hình hóa (bổ sung vật liệu, như đất sét), trong đá, kim loại, gốm sứ, gỗ và các vật liệu khác, nhưng từ thời Hiện đại, với tự do gần như hoàn toàn của vật liệu sử dụng và quá trình sáng tạo. Một loạt các vật liệu có thể được gia công bằng cách loại bỏ, chẳng hạn như chạm khắc, lắp ráp bằng cách hàn hoặc mô hình hóa, hoặc nung khuôn hoặc đúc.” (Theo wikipedia)

II. Điêu khắc có những thể loại nào?

Điêu khắc ngày càng phát triển nên kèm theo đó các loại hình điêu khắc cũng ngày càng phong phú hơn, tuy nhiên sẽ có hai loại hình chính là phù điêu và tượng tròn. Ngoài ra,còn có một số loại hình điêu khắc khác như tượng đài; dây thép uốn, căng, treo; điêu khắc địa hình; điêu khắc thiên nhiên.

1. Loại hình điêu khắc phù điêu

Phù điêu xuất hiện khá lâu đời trong điêu khắc, nó còn được gọi là đắp nổi,chạm nổi, bong-kênh, chìm, thấp, cao, lộng.

Một số tác phẩm phù điêu nổi tiếng trên thế giới như: Lạc Sơn Đại Phật (Trung Quốc), Tape Bostan (Iran), Angkor Wat (Campuchia), Kom el shoqafa, Alexandria (Ai Cập),…

2. Điêu khắc tượng tròn

Khác với phù điêu là tượng gắn lưng vào tường thì tượng tròn là các loại tượng mà người xem có thể đi vòng quanh để xem và quan sát. Trọng tượng tròn sẽ chia ra các loại khác nhau như: tượng trang trí, tượng vườn, các tượng toàn thân, bán thân.

Với tác phẩm điêu khắc tròn thì chắc hẳn không ai còn thấy xa lạ vì nó khá phổ biến, một số tác phẩm nổi tiếng như:  David (Michelangelo Buonarroti); Karma (Hoa Kì); Last supper (Hoa Kì); Người suy tưởng, Nụ hôn (Rodin);…

3. Loại hình điêu khắc tượng đài

Điêu khắc tượng đài là loại hình điêu khắc được sử dụng để tưởng niệm một sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử. Tượng đài có hình thức khá đồ sộ, được đặt tại không gian lớn và chứa nội dung huyền thoại, lịch sử hay chính trị.

Không đi đâu xa, ở Việt Nam cũng có những tượng đài nổi tiếng như: Tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài Hồ Chí Minh, tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng;…

4. Loại hình dây thép uốn, căng, treo

Đây là loại hình điêu khắc khá đặc biệt, nó được tạo hình với bê trong hoàn toàn rỗng, có giới hạn không gian đặc biệt. Với các tác phẩm này khi được treo lên sẽ tạo thành phần điêu khắc chuyển động theo ý đồ sáng tạo của tác giả.

Một số tác phẩm ấn tượng của loại hình này là: Tình yêu, Bunrning Man (Mỹ); Involution (Chadknight); Ali và Nino (Georgia);…

5. Điêu khắc địa hình

Điêu khắc địa hình là sử dụng các cách thức và phương tiện hiện đại để tạo hình tại các địa điểm như mặt đất, bờ biển, núi, đồi,..

Các tác phẩm đặc sắc phải kể đến là: Nello và Patrasche (Bỉ); Người Anonymous đi bộ (Ba Lan); Hà mã (Đài Loan); The First Generation (Singapore);…

6. Điêu khắc thiên nhiên

Đây là một loại hình điêu khắc khá mới so với tất cả những loại hình trên. Điêu khắc thiên nhiên là thể loại tạo dáng hoặc điêu khắc trên các vật thể sống và tồn tại trong thiên nhiên như cát, sỏi, đá, cây, băng.

III. Phương pháp tạo hình 

Để tạo ra một tác phẩm điêu khắc thì có thể dùng các loại phương pháp tạo hình khác nhau như: Đúc, tạc, gò, nặn.

1. Đúc

Đây là phương pháp sử dụng các khuôn mẫu đã chế tác sẵn sau đó nung nóng chất liệu thành dạng lỏng đổ và sau đó đổ vào khuôn. Sau khi tác phẩm đã đủ độ đông đặc và nguội lại thì người nghệ nhân sẽ tháo khuôn mẫu ra, thu được tác phẩm đúc.

2. Tạc

Đối với phương pháp tạc, người tạo ra tác phẩm điêu khắc sẽ chủ yếu sử dụng đôi tay dùng búa và đục để tạo hình trên chất liệu để tạo ra sản phẩm. Vật liệu chủ yếu sẽ là các chất liệu rắn như: Đá, gỗ,…

Ngày nay, điêu khắc gỗ nghệ thuật và điêu khắc đá nghệ thuật đang dần trở thành những ngành hot.

3. Gò

Có thể chúng ta sẽ dễ nhầm lẫn giữa tạc và gò, cùng là dùng công cụ tác động lên bề mặt chất liệu nhằm tạo hình nhưng gò khác với tạc ở chất liệu. Gò sẽ sử dụng các chất liệu là kim loại cán mỏng.

4. Nặn

Nặn là phương pháp dùng bàn tay để tạo hình, vật liệu được sử dụng sẽ chủ yếu là đất sét. Sau khi tạo hình xong có thể sử dụng cách nung lên để thành khuôn đúc hoặc tác phẩm điêu khắc gốm nghệ thuật.

IV. Các chất liệu dùng để điêu khắc

Các chất liệu để tạo ra sản phẩm điêu khắc rất đa dạng và phong phú. Có thể chia các chất liệu thành 4 loại theo thời gian phát triển và bản chất vật liệu của loại hình điêu khắc.

1. Chất liệu điêu khắc cổ điển: 

Gỗ, đá, đồng, xương, ngà, đất nung, gốm, sứ đây là những chất liệu đã quá quen thuộc và phổ biến trong ngành điêu khắc.

2. Chất liệu đương đại: 

Đây là một loại chất liệu khá mới, nằm trong danh sách này phải kể đến các loại như: Âm thanh, ánh sáng, chuyển động

3. Loại chất liệu hiện đại:

Khi xã hội ngày càng phát triển kéo theo các loại hình nghệ thuật trong đó có điêu khắc. Các chất liệu để sử dụng trong điêu khắc cũng trở nên phong phú hơn như: xi măng, bê tông, thủy tinh, sắt, thép, inox, sáp, sa mốt,…

4. Các loại chất liệu trung gian: 

Đây được xem là loại chất liệu trung gian mang tính tạm thời trước khi được chuyển qua chất liệu chính thức của tác phẩm: Composit, thạch cao,…

Bài viết trên của Bauhausbook đã gói gọn  một cách dễ hiểu để bạn đọc có cái nhìn tổng quát nhất về loại hình nghệ thuật “điêu khắc”. Hẹn gặp lại các bạn tại các số sau trong chuyên mục nghệ thuật để chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết hơn về loại hình nghệ thuật này và các loại hình nghệ thuật khác nữa nhé!